
1. Những chú gấu quản lý bảo hiểm (Bahamas)
Trong một động thái rất bình thường, một công ty Quản lý bảo hiểm ở Thụy Sỹ mua lại một đội bóng ở Bahamas. Đội bóng này lấy gấu làm linh vật. Thế là chúng ta có cái tên đội nghe thật kêu: Insurance Management Bears. Thắc mắc ở đây là chúng ta có nên mua bảo hiểm từ lũ gấu hay không?
2. Portman Kunis United (Mỹ)
Natalie Portman và Mila Kunis là hai diễn viên chính trong bộ phim nổi tiếng về các nghệ sỹ ballet, Thiên nga Đen. Nếu bạn là fan của cả hai, xin mời gia nhập Portman Kunis United, đội bóng thuộc hệ thống bóng đá trong nhà Dallas, Mỹ. Yên tâm là bạn không nhất thiết phải có kỹ năng múa trên hai đầu ngón chân.
3. 11 người đàn ông đang bay (Swaziland)
Giải vô địch Swaziland có rất nhiều tên đội hay, ví dụ Những chú báo Hoàng gia hay Đội Trẻ trâu (chính xác hơn là Trâu trẻ). Nhưng cái tên gây chú ý nhất hẳn phải thuộc về Eleven Men In Flight, dịch thô là 11 người đàn ông đang bay. Logo của đội có hình một chiếc máy bay đang bay lên, còn khẩu hiệu là “Nhẹ nhàng về đêm”.
4. Đội Thể thao 25 tháng Tư (Triều Tiên)
April 25 Sports Team là đội bóng của quân đội Triều Tiên. Mà ngày 25/4 là ngày thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên. Thế nên để cho đỡ phức tạp, người ta lấy luôn ngày này để đặt tên đội.
5. Taumata FC (New Zealand)
Taumata FC thực ra là tên viết tắt. Còn tên đầy đủ của đội là Taumatawhakatangihangakoauauotamateaturipukakapikimaungahoronukupokaiwhenuakitanatahu, theo tên một ngọn đồi nổi tiếng ở New Zealand. Nếu bạn muốn cổ vũ cho đội, bạn có thể hát bài Llanfairpwllgwyngyllgogerychwyrndrobwllllantysiliogogogoch, nghĩa là “cho đến bây giờ vẫn là đội bóng mạnh nhất mà thế giới từng biết”.
6. FC quay tay (Peru)
Thực ra đội có tên là Deportivo Wanka, trong đó Wanka vốn là một bộ lạc cổ nói tiếng Quechua từng là một phần của Đế chế Inca. Tuy nhiên, với cộng đồng nói tiếng Anh thì cái tên này mỗi khi được nói ra lại khiến họ bật cười. Vì wanka phát âm giống wanker, nghĩa là những kẻ… quay tay. Nhưng cũng vì thế mà Deportivo Wanka rất nổi tiếng ở Anh; họ từng bán được 1.000 áo đấu sau khi The Sun chạy một bài viết về đội.
7. Deportivo Thần kinh (Argentina)
Thực ra cũng chỉ là vấn đề ngôn ngữ thôi. Moron vốn là một phần của thủ đô Buenos Aires, Argentina. Ở đó họ có Giám mục vùng Moron, có Đại học Moron. Tuy nhiên, trong tiếng Anh thì moron lại có nghĩa là “bị điên”. Và thú vị hơn là Deportivo Moron biết điều này, nên cũng có nhiều cách để được biết tới bên ngoài cộng đồng tiếng Tây Ban Nha.
8. FC Ông già Noel (Phần Lan)
Lapland, Phần Lan, vẫn được công nhận là quê hương của ông già Noel. Thế nên cũng không có gì lạ khi một đội bóng ở đây quyết định lấy Santa Claus làm tên đội. Tất nhiên là đội này mặc áo thi đấu màu đỏ. Logo của họ là hình ông già Noel đang cầm một cây bút lông trước một tờ giấy, có lẽ ghi danh sách quà tặng.
9. FC Linh tinh (Botswana)
Nếu bạn bí ý tưởng, không biết đặt cho đội một cái tên thật hay, thật ý nghĩa là bạn làm gì? Chọn đại một cái tên linh tinh nào đấy. Đó có lẽ là điều mà những nhà sáng lập của Miscellaneous FC, một đội bóng ở giải Botswana) đã nghĩ tới. Chỉ có điều, họ lấy luôn cái tên Linh tinh (Miscellaneous).
10. CLB Những kẻ hủy diệt (Bolivia)
Club Destroyer’s được ví như là Rochdale của Peru, vì đội bóng này dường như bị gắn chặt với các giải hạng dưới vĩnh viễn. Có lẽ đó là một sự trừng phạt cho việc họ dám dặt một cái tên quá kêu: Club Destroyer’s – Những kẻ hủy diệt. Người nói tiếng Anh còn có một lý do nữa để ngứa mắt với đội, đó là sự xuất hiện rất vô duyên của dấu sở hữu cách trong từ Destroyers.
11. Club Atletico Aldosivi (Argentina)
Một ngày nọ, bốn người bạn gồm Allard, Dollfus, Sillard và Wiriott quyết định lập ra một đội bóng mới để anh em có chỗ sinh hoạt vào cuối tuần. Nghĩ một hồi không ra cái tên gì hay, họ mới lấy hai chữ cái đầu trong tên của mỗi người ghép lại thành tên đội bóng mới. Tuy nhiên, trên thông cáo báo chí, chữ W lại bị thay bằng V, do máy chữ của tòa soạn kia không có ký tự W.